Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Thăm chùa Phúc Nguyên ở Hải Phòng trước ngày khánh thành


Theo lời giới thiệu của chú Vũ Văn Cầu, Phó Chủ tịch Khuyến học xã Hiệp Hòa, chúng tôi có dịp đến chiêm bái chùa Phúc Nguyên tại thôn Nghĩa Lý, xã Hiệp Hoà, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng sau những ngày mưa dài không ngớt. 

Đứng trên cầu Chanh bắc qua sông Luộc giáp danh giữa huyện Ninh Giang (Hải Dương) và huyện Vĩnh Bảo (Tp.Hải Phòng) chúng tôi đã thấy chùa Phúc Nguyên nằm ẩn khuất sau những ngôi nhà cao tầng hun hút. 

Càng đến gần, chùa Phúc Nguyên càng hiện ra rõ hơn với nhiều hạng mục công trình khác nhau. Ngôi chùa xây hai tầng quay theo hướng Tây Bắc với hai toà tháp được toạ lạc ở tầng 2 uy nghi, bề thế và đẹp mắt đến lạ thường. 
 
Thực ra mà nói, đây là lần thứ 4 chúng tôi có dịp đến với chùa Phúc Nguyên, nhưng chưa lần nào có thời gian để đi chiêm bái. Lần thứ nhất vào cuối năm 2013 khi ngôi chùa cũ đang xuống cấp trầm trọng chỉ còn ngôi Tam Bảo. Lần thứ hai khi được cùng hoạ sĩ Đỗ Khắc Oanh – người phụ trách làm toàn bộ phần đá cho chùa mời ghé thăm. Nhưng lần đó, công trình vẫn đang còn làm phần thô, ngổn ngang công việc. Lần thứ 3 vào tháng Chạp khi được cùng Hoà thượng Thích Thanh Nhã về xã trao quà Tết cho hộ nghèo, gia đình khó khăn, và Hoà thượng đã nói chuyện với nhân dân và phật tử tại chùa. 
 
 
Theo chú Vũ Văn Cầu cho biết: chùa Phúc Nguyên có từ rất lâu đời, đây là một ngôi chùa cổ của vùng và nổi tiếng linh thiêng và luôn mang lại may mắn cho mọi người. Chùa ngày trước được làm bằng gỗ mang dáng vẻ đặc trưng của chùa quê đồng bằng Bắc bộ, khuôn viên chùa không to lắm, nhưng cũng có đủ nhà Tổ, nhà khách, Tam Bảo, cổng Tam quan và các công trình phụ trợ khác. Cứ vào ngày tuần Rằm, mồng Một, chùa Phúc Nguyên lại đông như mở hội bởi mọi người về đây để chiêm bái và cầu may. Cũng tại ngôi chùa này, ngày trước có nhiều sư trụ trì và nhiều sư xuất gia đi theo con đường nhà Phật, nhiều quý Thầy đã đắc đạo. Và cũng chính chùa Phúc Nguyên là nơi cửa Phật đầu tiên của Hoà thượng Thích Thanh Nhã tu hành.
 
 
 
Hôm nay chúng tôi ghé thăm chùa cũng là lúc các tốp thợ đã hoàn thành việc xây dựng. Chỉ có duy nhất một anh thợ điện đang điều chỉnh hệ thống điện ở tầng 1. Nhìn cảnh quan của tự viện thì công việc đã hoàn thành đến 90%, chỉ còn việc làm sân, xây dựng hệ thống tường bao và chuyển tượng vào các gian trong chùa. Nếu nhìn từ chính diện ngôi chùa, chúng tôi có thể khẳng định đây là ngôi chùa lớn và có quy mô nhất vùng. Tuy là một ngôi chùa mới, nhưng lại mang đậm những nét cổ kính. Ở tầng 1 hầu hết là được làm bằng vật liệu cứng, các cột to bằng hai người ôm đổ song song với nhau. Tầng này dùng để làm hội trường, nơi tiếp khách là chính. Đi đến cuối tầng 1, men theo lối cầu thang được làm bằng gỗ với những bậc đá xanh nguyên khối dẫn chúng tôi lên tầng 2. Đó là ngôi Tam Bảo. Ngôi Tam Bảo được thiết kế bằng gỗ. Các vỉ kèo, xà gỗ, mái hiên, mái vẩy được làm bằng gỗ quý với những hoạ tiết điêu khắc tinh xảo và kỳ công. Hầu hết các loại gỗ trên tầng hai có màu đen như màu áo của nhà Phật. Trong khuôn viên của tầng 1 và tầng 2, hệ thống tượng Phật, câu đối, hộ pháp và lư hương đã được vận chuyển về và đang được nhà chùa cho kê ngay ngắn theo các vị trí khác nhau. 
 
 
 
 
Mở cửa ngôi Tam Bảo bước ra hiên trước hiên là khoảng sân rộng lớn được lát gạch đỏ theo hàng thẳng tắp. Hệ thống tường bao, lan can, tay vịn cầu thang và bậc hiên được làm toàn bộ bằng đá, đá xanh vận chuyển từ Ninh Bình. Qua bàn tay và khối óc của những người thợ, những tảng đá to xù xì và vô hồn đó đã trở lên đẹp tươi, các mảng được khắc tinh xảo mang hồn của người thợ. Đứng trên ngôi Tam Bảo quay theo hướng Tây bấc, quý khách có thể tận hưởng được bầu không khí trong lành và đón những cơn gió dịu mát được thổi từ dòng sông Luộc phía xa. Được ngắm cảnh làng quê Nghĩa Lý đang khởi sắc ngày và cảnh đẹp của đồng ruộng xung quanh. 
 
 
 
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, chùa Phúc Nguyên sẽ tổ chức khánh thành ngôi chùa chính với biết bao công việc còn bề bộn và niềm vui hoan hỉ của phật tử và nhân dân địa phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét